Sự khác biệt trong văn hóa giao tiếp giữa người Việt và người Mỹ

Giao tiếp luôn là một kỹ năng cần có cho sự thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc. Kỹ năng giao tiếp tốt sẽ làm mối quan hệ giữa con người với con người sẽ trở nên thân thiết và vững chắc hơn, đặc biệt kỹ năng giao tiếp tốt sẽ có thể kết nối được những mối quan hệ giữa con người của quốc gia này với con người của quốc gia kia và là một phần quan trọng không thể thiếu trong việc thương thuyết công việc của đối tác trong nước và đối tác nước ngoài. Trên thực tế, các ứng xử trong giao tiếp dần có tính chất toàn cầu hóa tuy nhiên nét đặc trưng của phong cách giao tiếp ở từng quốc gia vẫn còn là một điều rất thú vị.

Dưới đây là ba điểm khác biệt trong văn hóa giao tiếp giữa người Việt và người Mỹ.

  1. Chào hỏi và làm quen

Việc chào hỏi đối với người Mỹ, tùy theo từng mối quan hệ mà ở Mỹ có cách chào hỏi khác nhau, chúng ta cũng thường thấy họ chào nhau bằng những cử chỉ rất gần gũi như ôm hay hôn má đối với những mối quan hệ thân thiết. Với những mối quan hệ xã giao hay trong việc kinh doanh họ sẽ chào nhau bằng những cái bắt tay. Trong vấn đề kinh doanh, người Mỹ rất coi trọng việc bắt tay vì họ cho rằng những cái bắt tay luôn là cách chào nhau lịch sự và văn minh nhất.

Đối với Việt Nam – một đất nước với nhiều nét văn hóa – một nước Á Đông, chúng ta luôn chú trọng về cách giao tiếp. Người Việt có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” đã thể hiện rõ nét phần nào về văn hóa chào hỏi. Câu chào luôn được người Việt coi trọng trong giao tiếp, nó mang đến sự gắn kết và thân thiện, thể hiện sự tôn trọng và lịch sự trong giao tiếp đối với người đối diện. Lời chào còn thể hiện tính hiếu khách của người Việt. Tuy nhiên chúng ta còn khá coi trọng thứ bậc giao tiếp trong xã hội nên cách chào hỏi cũng trở nên phức tạp hơn tùy theo mối quan hệ.

Việc làm quen, tư duy của người Mỹ khá thoáng trong việc bắt đầu các mối quan hệ mới, cởi mở hòa đồng và vui vẻ là điều mà người ta thường ấn tượng nhất khi làm quen với một người Mỹ.

Tại Việt Nam, bắt đầu một mối quan hệ xã hội mới họ thường chào nhau đồng thời có những cử chỉ như khoanh tay hay gật đầu thậm chí là bắt tay để thể hiện sự tôn trọng đối với người bạn mới quen. Việt Nam hiện nay đã có sự du nhập văn hóa nước ngoài mà đã có sự tự do, mạnh dạn hơn trong việc làm quen những nhìn chung vẫn còn có sự ngại ngùng và bối rối hơn so với sự thoáng đạt trong giao tiếp của người Mỹ

  1. Cách ứng xử nơi công cộng

Ứng xử nơi công cộng là sự giao tiếp của con người với nhau và ý thức của mỗi người đối với môi trường sống. Nếu giao tiếp biểu thị sự tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ người khác cũng như ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống thì đó là những hành vi ứng xử văn hóa. Giao tiếp nơi công cộng bộc lộ rõ nét nhất sự lịch thiệp và khả năng tinh tế của mỗi người.

Người Việt có thói quen thích sự náo nhiệt nên thường rất tự nhiên và thoải mái mà đôi khi vô tâm trong việc ứng xử nơi công cộng. Chúng ta có thấy rõ nét với hoạt động tại những con đường phố đi bộ hay những quán ăn, quán nước đôi khi ta lại thấy sự náo nhiệt từ những bờ kè của những con sông.

Đi ngược lại điều này, người Mỹ rất ghét việc gây ồn ào ở những nơi không riêng tư nhất là những nơi mang tính trang nghiêm như bảo tàng, đài tưởng niệm hay giáo đường, ngay những nơi như nhà hàng hay quán ăn họ vẫn luôn tuân thủ việc “ăn nhẹ nói khẽ’’ và khi cần gọi nhân viên phục vụ họ vẫn thường thể hiện sự tinh tế và lịch sự trong giao tiếp khi sử dụng những cử chỉ hoặc ánh mắt để tránh làm phiền những người xung quanh.

  1. Thể hiện cảm xúc, xin lỗi và cảm ơn

Nói theo tục ngữ của người Việt thì người Mỹ thể hiện cảm xúc theo kiểu “ruột để ngoài da’’ vui buồn đều thể hiện qua gương mặt và câu nói một cách rõ ràng. Theo đó, ta có thể thấy người Mỹ thể hiện sự vui buồn một cách thoải mái, tự nhiên. Nhưng Người Việt chúng ta lại có sự ngược lại, chúng ta thường che đậy những nỗi niềm ở trong lòng, không muốn bộc lộ những cảm xúc ấy; bên ngoài thì vui vẻ, tươi cười nhưng bên trong sâu thẳm cõi lòng thì đang rạo rực những điều không muốn sẻ chia.

Ngoài việc thể hiện cảm xúc, lời cảm ơn và xin lỗi tưởng rất ngắn gọn nhưng lại rất đỗi quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Trong giao tiếp thường ngày thì việc nói xin lỗi hay cảm ơn là một điều thường thấy trong xã hội Mỹ, họ xin lỗi khi chạm phải người khác hay thậm chí là các va chạm giao thông,… Ở Mỹ, quan niệm xin lỗi và hành vi để tiến tới hòa giải một cách vui vẻ và là hành vi can đảm, điều này khá khác biệt với đa số người Việt thường xem việc phải xin lỗi là hành động gây tự ái cho bản thân.

Bên cạnh việc nói “xin lỗi’’ thì còn một câu nói phổ thông trong xã hội Mỹ mà chúng ta hay bắt gặp ngoài đời thường khi giao tiếp với họ đó là cảm ơn, họ cảm ơn mọi lúc, mọi nơi với mọi hành động tác động tốt đến cuộc sống của họ cho dù đó là một việc nhỏ nhặt nhất, điều này đã thể hiện sự hài hòa và vui vẻ thường ngày, trong khi đó văn hóa người Việt lại mang đậm nét đậm chất bí ẩn của Á Đông thường ít bộc lộc cảm xúc ra bên ngoài khi giao tiếp, Phần lớn người Việt thường giữ sự biết ơn lại và cất giấu ở trong lòng mà tiết kiệm hai từ “cảm ơn”.