Bốn mẹo giúp giao tiếp rõ ràng bằng tiếng Anh

Để người nghe không mất tập trung và hiểu sai ý bạn, hãy giữ nhịp độ ổn định khi nói, đừng ngần ngại hỏi lại xem mình đã diễn đạt đúng hay chưa.

1. Giữ nhịp độ khi nói

Đôi khi, bạn có thể ngập ngừng hoặc hạ tông giọng khi cảm thấy không chắc về ngữ pháp hoặc từ vựng. Tuy nhiên, cũng giống tiếng Việt, việc đột ngột thay đổi nhịp độ nói có thể khiến người nghe khó tập trung vào những gì bạn muốn truyền tải.

Do đó, cách giải quyết là tiếp tục nói, dùng các từ, cụm từ trong những khoảng lặng để bạn có thêm thời gian suy nghĩ về những gì sắp nói. Chẳng hạn: “uh”, “You know” (Bạn biết đấy), “To be honest” (Một cách thực lòng), “Actually” (Thực ra). Dù vậy, hãy nhớ rằng đừng nên lạm dụng chúng, cố gắng không dùng nhiều hơn một cụm từ này cho một câu bạn nói.

Ngoài ra, hãy cố gắng giữ nhịp độ vừa phải, đừng nhanh hay chậm quá. Nếu nói nhanh, lời nói của bạn không phát ra đúng ý, còn nói chậm sẽ khiến người nghe khó tập trung.

2. Đảm bảo mọi người hiểu những gì bạn nói

Do rào cản ngôn ngữ, bạn không thể chắc chắn mọi người có thực sự hiểu ý của bạn hay không. Để khắc phục điều này, cách tốt nhất là hỏi người nghe. Nhằm tránh thái độ thô lỗ khi hỏi một cách trực tiếp, bạn có thể khéo léo nói mình đang học tiếng Anh và muốn đảm bảo đã diễn đạt chính xác.

Bạn nên luyện tập với một vài người bạn ngoại quốc, người có thể sẵn sàng lắng nghe và sửa cho bạn khi nói sai. Một số mẫu câu hữu dụng cho bạn khi hỏi người nghe:

– “I want to make sure you got that. Would you mind repeating it?”. (Tôi muốn chắc chắn bạn đã hiểu điều đó. Bạn có thể nhắc lại không?).

– “I’m not sure if I said that right. Can you please repeat it?”. (Tôi không chắc nói vậy có đúng không. Bạn có thể vui lòng lặp lại nó được không?).

– “Can you please run that by me, so I know you got it?”. (Bạn có thể vui lòng giải thích cho tôi được không, từ đó tôi sẽ biết bạn đã hiểu nó hay chưa?).

– “I’d like to be sure I’m expressing myself clearly. Could you please tell me what I’ve just said, so I know we’re on the same page?”. (Tôi muốn chắc chắn rằng mình đang thể hiện bản thân một cách rõ ràng. Bạn có thể vui lòng cho tôi biết những gì tôi vừa nói và chúng ta đang hiểu ý nhau hay không?).

Ảnh: Freepik

3. Hỏi lại người nói hoặc nhắc lại những gì bạn được nghe

Đôi khi, cuộc hội thoại không được rõ ràng, dễ hiểu cũng đến từ việc bạn không nghe hiểu được hết phần nói của người khác, cũng không biết cách kiểm tra thế nào. Giải pháp duy nhất là mạnh dạn đề nghị người nói lặp lại hoặc nhắc lại những gì bạn đã nghe để họ kiểm tra xem bạn đã hiểu đúng hay chưa. Hãy thử các mẫu câu sau:

– “I want to make sure I got that right…”. (Tôi muốn đảm bảo mình đã hiểu đúng)

– “So let me get this straight… “. (Để tôi nói thẳng vấn đề này)

– “You mean…”. (Ý bạn là)

– “If I’m understanding you correctly…”. (Nếu tôi hiểu bạn một cách chính xác)

4. Kiểm tra lại ngôn ngữ cơ thể

Nhiều lúc bạn muốn diễn đạt một điều, nhưng cơ thể lại nói điều khác. Cách bạn ngồi, nắm tay hoặc thậm chí là chớp mắt, ánh nhìn… cũng có thể thay đổi ý nghĩa của những từ bạn nói.

Chẳng hạn, khi bạn muốn mời người khác ăn trưa nhưng lại khoanh tay và không mỉm cười, họ có thể nghĩ rằng bạn không thực sự muốn điều đó. Nếu lo lắng về việc “liệu mình nói tiếng Anh như này có chuẩn hay không?”, bạn có thể khiến cơ thể mình thể hiện ngôn ngữ tiêu cực. Vì vậy, quan trọng nhất là thư giãn.

Một số quy tắc về ngôn ngữ cơ thể bạn cần ghi nhớ:

– Tránh chỉ, trỏ ngón tay. Gập tất cả ngón tay, chỉ giơ ngón giữa được coi là cử chỉ xúc phạm. Ngoài ra, khi nói chuyện, bạn cũng không nên chỉ tay vào mặt người khác. Hãy tận dụng cử động của bàn tay để diễn tả cảm xúc của mình. Ví dụ, nắm một tay và đập vào tay còn lại thể hiện sự quyết tâm, còn khoanh tay trước ngực thể hiện sự lạnh lùng và không hứng thú.

– Bắt chéo chân cũng mang nghĩa khác nhau. Nếu bạn bắt chéo chân về phía người đang nói chuyện, điều này cho thấy bạn đang lắng nghe họ. Nếu xoay hướng khác, cử chỉ này nói rằng bạn đang không quan tâm.

VNEXPRESS

Trung tâm Dịch vụ và Phát triển Kỹ năng, Viện Phát triển nguồn lực, Trường Đại học Trà Vinh

Địa chỉ: 126 Nguyễn Thiện Thành, Phường 5, TPTV, Trà Vinh. (Phòng B11.104 – tòa nhà B1)

Điện thoại: 0294 3 855 959.