Từ ghi âm tới giao tiếp thực trong luyện nói tiếng Anh

Một cách luyện nói tiếng Anh hiệu quả là ghi âm bài nói rồi tự nghe và sửa dần, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, bạn sẽ không thể giao tiếp thực tế được.

Cô Moon Nguyen, thạc sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng, chuyên gia dạy phát âm tiếng Anh – Mỹ chia sẻ về cách luyện tiếng Anh phục vụ giao tiếp:

Người học ở Việt Nam thường ít có điều kiện luyện nói tiếng Anh qua giao tiếp thực tế với người nước ngoài, do đó, một trong những hình thức luyện tập hiệu quả là ghi âm bài nói theo chủ đề, và tự mình nghe lại để sửa.

Tuy nhiên, nhiều bạn luyện nói, ghi âm rất tự tin và lưu loát, nhưng cứ gặp người nước ngoài là bị “cóng”? Vậy hiệu quả của việc tự ghi âm và nghe lại đến đâu? Và để tự tin nói chuyện với bất kỳ người nước ngoài nào, bạn cần gì thêm nữa?

Người học nên biết những kiến thức căn bản về phát âm tiếng Anh kết hợp với luyện nghe.

Thứ nhất, khi nói và ghi âm, bạn nói với chính mình. Khi giao tiếp, bạn phải nghe người khác nói gì, chứ không chỉ thao thao bất tuyệt. Như vậy, ngoài kỹ năng nói, bạn cần trau chuốt kỹ năng nghe hiểu. Giao tiếp là kết hợp của cả hoạt động nghe và nói, và nghe đóng vài trò rất quan trọng.

Thứ hai, trong giao tiếp, bạn không chỉ lắng nghe mà còn phải phản ứng với những gì nghe được. Ví dụ, khi đối tác nói họ mới kiếm được việc trả lương tốt, bạn không thể cứ “trơ” như đá. Bạn phải nói điều gì đó, ví dụ “I’m glad to hear that”, “Good for you” hay “Congratulations”. Tương tự, khi họ trình bày quan điểm, bạn phải lắng nghe và đặt câu hỏi “follow-up”. Giao tiếp là tương tác hai chiều, bạn không thể chỉ nói một mình mà không quan tâm người khác nói gì. Phản ứng với những gì đối tác trình bày là một kỹ năng quan trọng và sẽ được hoàn thiện trong quá trình giao tiếp.

Như vậy, dù luyện kỹ năng giao tiếp tốt bằng cách ghi âm, bạn vẫn cần thực hành “nghe” (tốt nhất là học nghe bài bản để biết cách luyện nghe sao cho hiệu quả) và “nói phản ứng” với những gì nghe được.

Khi đã nghe và phản ứng tốt, hiệu quả của việc tự ghi âm và nghe lại sẽ thể hiện rất rõ rệt. Bạn sẽ thấy các ý tưởng trôi dạt dào và mình nói lưu loát, không ậm ừ như xưa.

Tóm lại, để giao tiếp tự tin, hãy luyện nghe chăm chỉ. Để thực hành phản ứng giao tiếp, hãy giao tiếp thật nhiều với bất kỳ ai bằng tiếng Anh, kể cả đó là người Việt Nam. Không nên cho rằng phải giao tiếp với Tây mới giỏi. Giao tiếp với người Việt bằng tiếng Anh cũng giúp bạn rất nhiều trong hình thành thói quen tư duy tiếng Anh và luyện phản ứng trước những gì nghe được.

Theo vnexpress.net