Người ta nói, nghe tiếng Anh là một loại năng lực. Điều này không hẳn là sai.
Thầy Quang Nguyen, giáo viên tiếng Anh với 20 năm kinh nghiệm, chia sẻ tầm quan trọng của việc ghi nhớ đối với kỹ năng nghe.
Hoạt động nghe liên quan rất nhiều tới khả năng ghi nhớ. Ví dụ, bạn nghe một câu dài nhưng nhớ được nửa sau thì quên mất nội dung nửa đầu. Nếu không liên kết được thông tin, rút cục bạn nghe được hết mà không hiểu gì cả.
Nhiều người có khả năng ghi nhớ ngắn hạn rất tốt, họ nghe qua một lần là nhớ ngay. Một vài người khác nghe cái gì xong mà không “hành động”, là sẽ quên ngay sau đó.
Ghi nhớ là một loại năng lực có thể rèn luyện được, bằng cách liên kết các thông tin với nhau và luyện tập não bộ một cách chăm chỉ.
Khi luyện nghe tiếng Anh, khả năng ghi nhớ đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ là “ghi nhớ ngắn hạn” (short term memory), mà còn cả “ghi nhớ dài hạn” (long term memory) nữa.
Khi dạy phát âm tiếng Anh, tôi dặn mọi người luyện tập để “ghi nhớ” được tất cả các âm IPA (đặc biệt thông qua luyện Minimal pairs). Ví dụ, nghe “sit” phải ra âm “i lỏng miệng”, còn nghe “seat” thì nhận ra đây là âm “i chặt miệng”. “Ghi nhớ” được âm như vậy, sau này khi nghe bất kỳ từ nào, bạn cũng có thể nhận diện được nguyên âm và phụ âm của từ, do đó, nghe hiểu sẽ dễ hơn nhiều.
Những người chăm chỉ luyện tập và ghi nhớ được âm khi học phát âm không chỉ nói tiếng Anh rõ ràng hơn, mà còn nghe tốt hơn rất nhiều.
Ghi nhớ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc luyện nghe từ và cụm từ. Ví dụ, để có thể nghe được từ “preparation” bạn phải “học thuộc” cách phát âm của từ này /ˌprɛp əˈreɪ ʃən/, không phải bằng mắt, mà bằng tai. Tức là bạn ghi nhớ một phiên bản của từ này trong não, để bất kỳ lúc nào tai nhận được tín hiệu là não sẽ “khớp” luôn.
Khi nghe một từ, các bạn sẽ phải ghi nhớ nhiều “phiên bản” phát âm, chứ không chỉ một cách phát âm chuẩn. Ví dụ, từ “adult” có “phiên bản” phát âm Anh-Mỹ và Anh-Anh hoàn toàn khác nhau. Nếu nhớ được cả hai phiên bản này, bạn sẽ ít gặp khó khăn hơn.
Tương tự, với cụm “all of us have to go”, nếu nhớ được “olavas” và “hafta” (lại là bằng tai nhé), khi nghe bạn chỉ cần nắm từ chính “go”, còn lại não sẽ không cần phải phân tích “olavas” là gì, “hafta” là gì.
Trẻ em bản ngữ thường không gặp vấn đề với việc ghi nhớ các cụm kiểu như trên, vì chúng nghe thường xuyên và sử dụng hàng ngày. Nhưng với người học tiếng Anh, đó là thách thức.
Vậy, tại sao lại có những phương pháp luyện nghe hiệu quả hơn những phương pháp khác? Tại sao cùng năng lực, cùng thời gian luyện tập, một người có thể tiến bộ nhiều hơn người còn lại? Câu trả lời là với những phương pháp luyện nghe khác nhau, các bạn sẽ có hiệu quả khác nhau. Dưới đây là một số lời khuyên khi nghe:
1. Nghe chủ động và nghe thụ động
Nghe chủ động luôn hiệu quả hơn nghe thụ động. Chắc hẳn bạn từng nghe về phương pháp “tắm tiếng Anh”, “bật tiếng Anh mọi lúc mọi nơi” và hiệu quả của nó. Nghe tiếng Anh cả trong lúc ngủ, tất nhiên là sẽ hiệu quả hơn so với “không làm gì”, nhưng thực sự nếu nghe “trong tiềm thức”, bạn sẽ rất khó để ghi nhớ được cách phát âm của một từ hoặc một cụm từ.
Nghe chủ động thì rất mệt, nhưng bạn biết chính xác mình đang cần gì và đang tìm kiếm điều gì. Não của bạn “chủ động” tìm kiếm từ khóa, hiểu, và ghi nhớ cách phát âm. Do đó, hiệu quả đương nhiên là sẽ cao hơn rất nhiều.
Hãy luôn nghe với một mục tiêu trong đầu.
2. Tài liệu phù hợp
Tài liệu phù hợp là tài liệu mà bạn sẽ hiểu khoảng 70-80% nội dung của bài nghe sau 1-3 lần. Vẫn còn khoảng trống 20-30% cho bạn luyện tập và “bổ sung dữ liệu” vào bộ nhớ.
3. Sự yêu thích
Thứ nhất là sự yêu thích việc học và nghe tiếng Anh. Nếu bạn đã có phương pháp luyện tập đúng và thực sự thích nghe, bạn sẽ nạp được rất nhiều vào bộ nhớ của mình thông qua thời gian tiếp xúc lâu dài.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người giỏi ngoại ngữ đều là những người yêu ngôn ngữ. Họ không ngại khi sử dụng ngôn ngữ, mắc lỗi, và học từ lỗi lầm của mình. Mỗi lần học như vậy, não lại có một bản ghi xuất sắc và sâu sắc hơn.
Thứ hai là lựa chọn tài liệu mà bạn ưa thích. Nếu quan tâm tới vấn đề, chủ đề nào đó và luyện nghe thường xuyên, bạn sẽ dễ ghi nhớ hơn.
Đừng luyện nghe tài liệu “vu vơ” trên mạng, giống như nghe tiếng Việt, những thứ sâu sắc thường đọng lại, còn những mảng thông tin rời rạc và vô vị sẽ bị cuốn đi. Tài liệu càng ý nghĩa với bạn thì khả năng nghe của bạn càng dễ đi lên.
Tài liệu ý nghĩa nhất chính là giao tiếp thực tế hoặc làm việc bằng tiếng Anh.
Theo Quang Nguyen (vnexpress.net)